4:49 - 18/06/2023
(PLO)- Người nước ngoài vẽ bậy lên tàu metro có bị xử phạt theo pháp luật Việt Nam giống như người Việt Nam không? Mức xử phạt sẽ như thế nào?

Như PLO đã đưa tin, vào ngày 13-6, Công an TP.HCM đã có kết quả điều tra vụ đoàn tàu số 3, tuyến metro 1 (Bến Thành – Suối Tiên) bị vẽ bậy tại Depot Long Bình ở TP Thủ Đức, xác định người vẽ bậy là hai người nước ngoài.

Người nước ngoài vẽ bậy lên tàu metro sẽ bị xử lý ra sao? ảnh 1

Hình ảnh vẽ bậy trên tàu metro được các công nhân tích cực xóa bỏ. Ảnh: MAUR

Từ vụ việc này, nhiều bạn đọc bày tỏ thắc mắc liệu người nước ngoài vẽ bậy như vậy có bị xử phạt giống như người Việt Nam không? Và mức xử phạt sẽ như thế nào?

Giải đáp thắc mắc này, luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết về nguyên tắc chung, pháp luật Việt Nam ban hành, áp dụng công bằng, bình đẳng đối với tất hành vi vi phạm được thực hiện, xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt bất kỳ hành vi vi phạm của cá nhân hay tổ chức, trong nước hay nước ngoài, dân tộc, tôn giáo, giới tính,….

Tuy nhiên, chính sách nhân đạo của pháp luật Việt Nam tùy vào từng trường hợp, đối tượng và căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà sẽ có các chế tài khác nhau để xử lý nhằm đảm bảo tính nghiêm khắc, công bằng, bình đẳng và nhân đạo.

Với trường hợp trên, luật sư Sơn phân tích: Căn cứ điểm a và điểm c, khoản 1, Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì người nước ngoài hay người trong nước đều bị xử phạt như sau.

Việc vẽ bậy trên tàu metro sẽ tùy vào tính chất, mức độ thiệt hại mà cơ quan chức năng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Đối với xử phạt hành chính, người vẽ bậy lên tàu metro có thể bị xử phạt như sau:

Tại điểm l khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021 quy định phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với người nào phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm (điểm a khoản 14 Điều 7 Nghị định 144/2021).

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021, nếu hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức có thể bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.

Nếu hành vi vẽ bậy làm hư hỏng, gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ thì sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng (khoản 3 Điều 21 Nghị định 144).

– Ngoài ra, người vẽ bậy lên tàu metro còn có thể đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

Đối với hành vi viết, vẽ bậy lên tường, cửa nhà hoặc tường công cộng của người nước ngoài có thể cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 178 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Ngoài việc áp dụng các mức xử phạt hành chính, hình sự giống như người Việt Nam, thì có một số trường hợp mà người nước ngoài có thể bị xử lý, xử phạt khác với người Việt Nam, như:

Tại khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì người nước ngoài thuộc một trong các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, nếu trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Bên cạnh đó, căn cứ Khoản 2 Điều 5 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; Trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Đồng thời, người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm pháp luật ở Việt Nam tùy vào tính chất mức độ hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng hình phạt đặc thù là “Trục xuất” theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đối với một số hành vi mà điều khoản quy định có áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; Hoặc theo Điều 37 Bộ luật hình sự đối với một số tội danh mà điều luật có quy định áp dụng hình phạt trục xuất trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chuyên mục: PHÁP LUẬT

Tag:

Liên hệ trên Zalo