8:55 - 17/11/2023

Sau hai tiếng mưa xối xả và lũ từ thượng đổ về, nhà anh Phan Văn Hóa ở trung tâm TP Huế ngập gần một mét, nhiều đồ đạc ngâm trong lũ.

17h ngày 14/11/2023, anh Phan Văn Hóa, 33 tuổi, chạy bộ 5 km ven sông Hương vừa thể dục, vừa quan sát mực nước. Nhà cạnh sông Như Ý, cách Đập Đá thông với sông Hương chỉ 50 m, anh và gia đình đã quen sống chung với lũ. Thấy nước sông Hương lên chậm, anh Hóa đoán đợt lũ này không lớn.

Hơn 20h, bất ngờ mưa như trút nước, lũ từ thượng nguồn tràn qua Đập Đá. Anh Hóa vội vàng dắt hai xe máy từ sân vào nhà, cùng vợ kê tủ lạnh, máy giặt lên cao. Chiếc sup cũng được bơm căng để đi lại khi cần thiết. Khoảng 30 phút sau, nước ào vào nhà, nhanh chóng dâng lên gần một mét.

Xe máy được anh Hóa dắt vào nhà. Ảnh: Vạn An

Nước tràn vào phòng khách nhà anh Hóa. Ảnh: Vạn An

Vợ chồng anh Hóa phải thức trắng đêm canh lũ và di chuyển đồ đạc lên tầng hai. “So với trận lũ năm 2022, đợt này nước dâng cao hơn khoảng 5 cm, đặc biệt quá nhanh khiến gia đình không kịp trở tay. Nhiều bàn ghế của quán cà phê không kịp di chuyển đành buộc lại, ngâm trong dòng lũ”, anh Hóa nói.

Xác định với mức ngập sâu thế này sẽ khó có thể rút hết trong 1-2 ngày tới, anh Hóa đã chèo sup đi mua thực phẩm dự trữ, mua đèn pin dự phòng.

Nhà cách sông Hương 2 km, chị Trần Thị My Ni, 33 tuổi, ở phường An Đông cũng bất ngờ khi nước lũ dâng nhanh trong đêm. Vợ chồng chị chỉ kịp di chuyển đồ điện tử lên cao, kê cao xe máy, còn lại hầu hết đồ đạc ngâm lũ.

“Tôi đã nhận thông tin lũ trên sông Hương, nhưng chiều qua thấy trời không mưa, nước sông Hương lên chậm nên chủ quan không kê đồ lên cao. Sau 2-3 tiếng buổi tối, nước đã ngập đường, tràn vào nhà 0,5 m”, chị Ni kể.

Cảnh sát giúp sơ tán người dân khỏi vùng ngập sâu. Ảnh: Vạn An

Cảnh sát sơ tán người dân khỏi vùng ngập sâu. Ảnh: Vạn An

Nước lũ dâng nhanh nên nhiều cư dân sống trong khu đô thị mới An Vân Dương, TP Huế đã cẩn thận di chuyển ôtô lên khu đất cao ráo phía trước trong đêm. Tuy nhiên, đến sáng nay nhiều ôtô vẫn ngập nửa bánh xe.

Thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế, trừ A Lưới, 8 huyện thị của tỉnh đều ngập. Nằm ở hạ du ven sông Hương, toàn bộ 36 phường, xã của TP Huế đang ngập 0,5-1,2 m, trong đó khoảng 8.500 hộ dân ngập sâu 0,8-1,2 m.

7 huyện thị khác gồm Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông có khoảng 8.000 hộ dân bị ngập 0,3-0,6 m. Trừ quốc lộ 1 đã thông tuyến chiều nay, các tuyến quốc lộ khác, tỉnh lộ, huyện lộ, liên xã có nhiều đoạn chìm trong biển nước, giao thông chia cắt. Một người chết, một người mất tích do lật ghe.

Để đảm bảo an toàn, tỉnh đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học hôm nay và ngày mai. Hơn 3.400 hộ dân với 8.800 người đã được sơ tán khỏi nơi ngập sâu, nguy cơ sạt lở. Điện lực đã cắt điện 824 trạm biến áp vùng thấp trũng, ngừng cấp điện cho 137.000 khách hàng, chiếm 41% tổng số khách toàn tỉnh.

Nước lũ tràn vào xã Phú Dương, TP Huế sáng 15/11. Ảnh: Võ Thạnh

Nước lũ tràn vào xã Phú Dương, TP Huế sáng 15/11. Ảnh: Võ Thạnh

Lý giải về tình trạng lũ lên nhanh khiến người dân không kịp xoay xở, ông Đặng Văn Hòa, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, do mưa quá cực đoan, gấp nhiều lần dự báo, buộc các hồ điều tiết nước về hạ du.

Dự báo Thừa Thiên Huế mưa cả đợt ngày 13-17/11 250-400 mm, nhưng mới ba ngày huyện Nam Đông và một số nơi của huyện Phú Lộc mưa 500-900 mm. Có nơi cao hơn như: Vườn quốc gia Bạch Mã 1.000 mm; Thượng Quảng 1.020 mm; Hương Sơn, thủy điện Bình Điền – Hương Trà 1.100 mm; Xuân Lộc 1.110 mm.

Cũng do yếu tố vị trí địa lý, địa hình và khí hậu, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có lượng mưa lớn nhất cả nước. Phía tây Thừa Thiên Huế có dãy Trường Sơn với nhiều núi cao. Phía nam có dãy Bạch Mã, đèo Hải Vân chạy dọc ra biển. Khi gió mùa đông bắc thổi từ biển vào mang theo hơi nước gặp núi cao sẽ tĩnh lại phía đông Trường Sơn và bắc đèo Hải Vân gây mưa lớn.

Trả lời vì sao các hồ thủy điện, thủy lợi lại xả để làm tăng mức lũ, ông Hòa nói trong tháng 10, các hồ ở thượng nguồn đã làm tốt việc cắt lũ cho hạ du. Trước đợt lũ này, ngày 10-13/11 các hồ như Hương Điền, Bình Điền, Tả Trạch, A Lưới đã điều tiết nước về hạ du nhằm chủ động đón lũ.

Tuy nhiên, mưa lớn đã vượt ra ngoài kịch bản điều tiết nước của các hồ ở thượng nguồn. “Huyện Nam Đông mưa 4 giờ trên 800 mm, các hồ không thể chịu nổi”, ông Hòa nói và cho biết trận lũ này gần giống với trận lụt lịch sử tháng 11/1999.

Năm đó 10 tỉnh miền Trung ngập lụt, làm 595 người chết và mất tích. Riêng Thừa Thiên Huế ngập nặng nhất với 352 người chết, 21 người mất tích, 900.000 dân bị thiếu đói trong nhiều ngày, thiệt hại vật chất hơn 1.760 tỷ đồng.

Chiều nay, nhiều khu vực Thừa Thiên Huế vẫn mưa to, lũ sông Hương tại Kim Long đã đạt đỉnh, vượt báo động ba 0,78 m và vượt đỉnh lũ năm 2020 khoảng 10 cm; sông Bồ tại Phú Ốc trên báo động ba 0,37 m. Dự báo từ nay đến 17/11, địa bàn tiếp tục mưa 100-300 mm, có nơi trên 400 mm. Lũ các sông duy trì trên báo động ba, gây ngập lụt diện rộng.

Võ Thạnh

Theo: https://vnexpress.net/nguoi-hue-tro-tay-khong-kip-vi-lu-len-nhanh-4677252.html

Chuyên mục: Tin Tức

Tag:

Liên hệ trên Zalo