Thời đại Hùng Vương với các đời Vua Hùng kế tiếp nhau gắn với huyền thoại mở mang đất nước, giữ yên bờ cõi xã tắc, chống giặc nội, ngoại xâm cùng thiên tai dịch họa. Một trong những truyền thuyết nổi bật nhất là truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ “bọc trăm trứng”, là câu chuyện thể hiện các dân tộc sống trên đất Việt đều chung một mẹ sinh ra. Theo truyền thuyết, Cha Lạc Long Quân đem theo năm mươi con xuống biển, còn năm mươi người con theo Mẹ Âu Cơ lên núi. Hai tiếng đồng bào nghĩa là cùng một bọc đã gợi nghĩa tình máu thịt keo sơn. Truyền thuyết ấy thể hiện ngay từ buổi đầu dựng nước, dân tộc ta đã tiến hành những cuộc sắp đặt giang sơn và phân công lao động. Địa bàn đất nước rộng, các dân tộc đã biết phân chia nhau cai quản. Kẻ ở chốn núi rừng, kẻ đồng bằng, người biển cả… lập nghiệp và giữ bờ cõi giang sơn vẹn toàn. Khi có giặc giã hoặc công việc quan trọng lớn lao, từ muôn phương lại tụ hội, giúp đỡ nhau. Điều đó thể hiện truyền thống đoàn kết toàn dân tộc trải suốt mấy ngàn năm lịch sử.
Lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cắt băng khánh thành Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong”
Từ nguồn cội gốc gác ấy, người dân Việt Nam xưa nay từ Nam chí Bắc, miền xuôi đến miền ngược, dù ở trong nước hay Việt kiều ở nước ngoài đều hướng tình cảm, tấm lòng và trái tim mình về Ngày Giỗ Tổ. “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”. Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, truyền thống ấy luôn ngự trị trong tâm thức mỗi con người đất Việt, tạo nền là sức mạnh cội nguồn, trở thành sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống của dân tộc Việt Nam, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” được hình thành và trao truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nghi lễ dân gian mang tính biểu tượng của quốc gia-tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Ngày 6/12/2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ cội nguồn đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trở về Đất Tổ là trở về đất cội nguồn. Mỗi người con Đất Việt dù có được trở về Đất Tổ trong Ngày lễ hội hay không nhưng ở rất nhiều nơi trong nước và ở nước ngoài đều thực hành thờ cúng Hùng Vương ở các thiết chế thờ cúng các Vua Hùng của cộng đồng người Việt Nam, tạo nên một sự lan tỏa sâu rộng về ý thức cộng đồng, về tình yêu đất nước, từ đó hình thành tinh thần tự cường dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tạo nên một giá trị đặc trưng nổi bật trong hệ thống giá trị đạo đức của người Việt.
Theo Ban tổ chức, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm nay gắn với “Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn-2024” được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì diễn ra từ ngày 9/4 đến ngày 18/4/2024 (tức từ ngày 1/3 đến hết ngày 10/3 năm Giáp Thìn). Cũng như mọi năm, phần Lễ năm nay gồm Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 14/4/2024 (tức ngày 6/3 năm Giáp Thìn); Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong” ngày 18/4/2024 (tức ngày 10/3 năm Giáp Thìn) và Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thị, thành trong tỉnh Phú Thọ từ ngày 9/4-18/4/2024 (tức từ ngày 1/3-10/3 năm Giáp Thìn).
Thực hành nghi lễ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở Khu Di tích lịch sử Đền Hùng
Về phần hội tập trung bảo tồn và phát huy các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống, các hoạt động văn hoá, nghệ thuật như: Rước kiệu, trình diễn Lân Sư Rồng, đánh trống đồng, đâm đuống; thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; hội trại văn hoá, liên hoan văn nghệ quần chúng, hát xoan và dân ca Phú Thọ…
Theo ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng: Chương trình khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn-2024 ngày mùng 1/3 Âm lịch tại sân khấu trung tâm lễ hội. Cùng với đó là trưng bày Di sản tư liệu thế giới tại Bảo tàng Hùng Vương; các hoạt động triển lãm mỹ thuật, trưng bày hoa lan nghệ thuật; hội hát Xoan và xác lập kỷ lục Hội Xoan; biểu diễn dân ca và một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận…
Đặc biệt, công trình tu bổ, tôn tạo bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong” tại khu vực ngã 5 Đền Giếng do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng công đức, thể theo nguyện vọng và tình cảm sâu sắc của cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam với cội nguồn dân tộc và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu được khánh thành trước dịp Lễ hội. Công trình hình dạng theo vòng cung, dài 28,16m, cao 9,2m, chất liệu đúc bằng hợp kim đồng, xứng tầm với sự kiện lịch sử, điểm nhấn, thu hút du khách trở về nguồn cội tiếp tục được khắc ghi trong tim lời hiệu triệu của Bác: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Từ đó mỗi chúng ta dâng lên trong trái tim niềm tự hào dân tộc.
Bài, ảnh: Đức Đào
Theo: https://baohaiquanvietnam.vn/tin-tuc/gio-to-hung-vuong-le-hoi-den-hung-nam-giap-thin-2024-khoi-nguon-suc-manh-dai-doan-ket-toan-dan-toc#:~:text=Theo%20Ban%20tổ%20chức%2C%20Giỗ,%2F3%20năm%20Giáp%20Thìn).
Chuyên mục: ĐỜI SỐNG - XÃ HỘIKINH DOANHTin nổi bậtTin Tức
Tag:
Bài viết trước: VIETNAM MEDIPHARM 2024 – Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 31Bài kế: Những sự cố thường gặp trong Tổ chức sự kiện