Hôm 16/11, Nghị định thư xuất khẩu tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc được ký hoàn tất, mở đường cho sản phẩm này chính thức được xuất sang thị trường có mức tiêu thụ lớn nhất thế giới.
“Trung Quốc chiếm khoảng 80% thị phần toàn cầu còn Việt Nam có tiềm năng về ngành nuôi yến nên việc ký nghị định thư này giúp Việt Nam ổn định đầu ra”, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết sau khi ký nghị định thư.
Hơn 22.000 nhà nuôi chim yến tại Việt Nam đang mang về sản lượng khoảng 120 tấn, trị giá hơn nửa tỷ USD. Được đánh giá có giá trị kinh tế cao nên từ năm 2019, tổ yến đã là một trong các sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng, đàm phán và gửi hồ sơ để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Đường biên giới dài với Trung Quốc, theo ông Hoan, trở thành một lợi thế cạnh tranh của tổ yến Việt Nam so với các nước khác, góp phần giúp việc buôn bán, vận chuyển, cung ứng dễ dàng hơn.
Một tổ yến thô tại xưởng sản xuất ở Phan Thiết. Ảnh: Linh Đan
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, về lâu dài, Bộ sẽ có chiến lược, kế hoạch phát triển ngành yến Việt Nam “có trách nhiệm, bền vững, bảo đảm giữ vững thương hiệu không chỉ đáp ứng thị trường Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác”.
Để xuất khẩu yến sang Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tổ chức hội nghị phổ biến nội dung nghị định thư cho tất cả các hiệp hội, hội và doanh nghiệp để các đơn vị chủ động chuẩn bị, đáp ứng điều kiện xuất khẩu.
Các doanh nghiệp chế biến tổ yến cần tìm hiểu kỹ và tuân thủ đúng, đầy đủ các yêu cầu của phía Trung Quốc nêu trong nghị định thư, như các điều kiện về quản lý cơ sở nuôi chim yến, chế biến tổ yến để bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Các hiệp hội và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn, các địa phương để xây dựng và thực hiện chương trình giám sát bệnh cúm gia cầm và bệnh dịch tả newcastle trên chim yến, kế hoạch giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm tổ yến.
Việt Nam đã có 13 nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng.