Nhìn con hồi phục sau ca ghép thận, có thể sinh hoạt bình thường, vui chơi với các bạn, anh Lưu Văn Chiến, 36 tuổi, nén xúc động. “Chỉ cần con khỏe mạnh thì không chỉ một quả thận mà cả cơ thể, tính mạng tôi không tiếc với con”, anh Chiến nói, hôm 12/1.
Hiện sức khỏe Hiếu ổn định, thể trạng tốt, sau ca ghép thận vào tháng 11/2023.
Lưu Tuấn Hiếu quê ở Hà Nam, là con lớn trong gia đình hai anh em trai, phát hiện bệnh vào tháng 7/2018, không có triệu chứng. Khi ấu em trai của Hiếu đi khám, được chẩn đoán có bệnh về thận, bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương khuyên gia đình đưa Hiếu đi kiểm tra. Kết quả em bị suy thận.
Hiếu được điều trị bằng thuốc song tình trạng không cải thiện. Năm 2021, Hiếu đại tiện nhiều, tần suất 3-4 lần một buổi sáng, nhập viện bác sĩ xác định suy thận giai đoạn cuối, nguy cơ chạy thận suốt đời, tính mạng bị đe dọa.
Tháng 7/2023, Hiếu được lọc màng bụng, còn gọi là thẩm phân phúc mạc, thực hiện tại nhà. Đây là phương pháp điều trị thay thế thận, áp dụng phổ biến với người bệnh suy thận, tức dùng màng bụng để lọc sạch các chất độc và nước dư thừa do suy thận.
Được bác sĩ hướng dẫn, 6h hằng ngày, vợ chồng anh Chiến thực hiện thẩm phân phúc mạc cho con bằng cách mở van trên bụng xả từ từ nước dịch ra, thêm dịch mới vào, khóa van lại, cứ cách bốn giờ phải lặp lại quy trình này. Hiếu thường xuyên đau mỏi người nên bố mẹ phải bóp chân đến nửa đêm con mới ngủ được. Trong quá trình điều trị, con không ăn được nên sút cân, mệt mỏi, kiệt sức. Bố mẹ ngày đêm thay phiên nhau hỗ trợ con, nhiều hôm gần như thức trắng, nhưng sức khỏe Hiếu không cải thiện nhiều, phải nghỉ học, ngày càng ít cười, ít nói.
Con bệnh, gia đình gặp khó khăn về tài chính, không có tiền chạy chữa. Anh Chiến là công nhân, lương 4-5 triệu đồng một tháng, vợ là chị Bùi Thị Hoài phải ở viện chăm hai con. “Không nỡ nhìn con mang bệnh suốt đời, tôi bàn với vợ tìm cách ghép thận cho con dù phải vay mượn, bán tài sản”, ông bố cho biết.
Chi phí một cuộc ghép thận trẻ em khoảng 200 triệu đồng. May mắn đến tháng 11/2023, Hiếu được chương trình Mặt trời Hy vọng (Quỹ Hy vọng – VnExpress) hỗ trợ chi phí. Ban đầu, mẹ giành phần hiến thận cho con, song kết quả khám sức khỏe cho thấy tình trạng bố tốt hơn nên phù hợp để hiến.
Ca ghép thận thành công. Bố khỏe mạnh xuất viện, chức năng quả thận còn lại rất tốt. Sức khỏe con cũng tiến triển thuận lợi. Hiếu đi lại bình thường, ăn uống ngon miệng, có thể đi học lại sau 6 tháng, cuộc sống gần như bình thường.
Theo các bác sĩ điều trị, trường hợp bố mẹ, anh chị em ruột hiến thận cho nhau thường rất thuận lợi về hòa hợp miễn dịch, thêm yếu tố tuổi còn trẻ nên bệnh nhân hồi phục nhanh. Sau mổ ghép, bệnh nhi được theo dõi, xét nghiệm, uống thuốc chống thải ghép, chăm sóc tốt, môi trường sống sạch để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Với bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, ghép thận là lựa chọn tốt nhất, hiệu quả chất lượng cao. Với trẻ em, trong tất cả độ tuổi ở trẻ, ghép thận có tỷ lệ sống cao hơn chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng. Một số phương pháp khác như chạy thận nhân tạo có thể giúp bệnh nhân kéo dài cuộc sống nhưng chất lượng sống thấp, người bệnh thường xuyên ra vào bệnh viện, chưa kể phải tuân thủ điều trị, uống thuốc hết sức nghiêm ngặt.
Trẻ ghép thận xong có thể đi học, cải thiện sức khỏe, phát triển cao lớn, sinh hoạt bình thường. Nhiều bệnh nhi sau ghép thận đã tốt nghiệp đại học, lập gia đình, sinh con khỏe mạnh.
Các chuyên gia cho rằng trở ngại lớn nhất hiện nay khiến trường hợp ghép thận chưa nhiều là thiếu nguồn tạng hiến và chi phí ghép cao. Một cuộc ghép thận trẻ em hiện nay tốn khoảng 200 triệu đồng sau khi trừ bảo hiểm. Người cho thận là người lớn, phải tự trang trải chi phí cuộc mổ cũng như xét nghiệm trước mổ, khoảng 60-70 triệu đồng. Sau mổ ghép, nếu có biến cố phát sinh, gia đình phải tốn nhiều tiền hơn.
Thúy Quỳnh
Theo: https://vnexpress.net/qua-than-cua-bo-cuu-con-trai-thoat-cua-tu-4699874.html