Ngày 5/3, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi quy hoạch gồm toàn bộ phần đất liền và không gian biển của Ninh Bình.
Theo quyết định, đến năm 2035, Ninh Bình dự kiến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; là trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản, đi đầu cả nước về công nghiệp cơ khí giao thông.
Về chỉ tiêu cụ thể, Ninh Bình phải đạt GRDP bình quân đầu người khoảng 200 triệu đồng một năm, phấn đấu là một trong 10 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo phải giảm còn dưới 2%.
Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP gồm: Nông – lâm – thủy sản 5,3%, công nghiệp – xây dựng 45,3%, dịch vụ 38,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 11,1%.
Để đạt mục tiêu trên, Ninh Bình cần phát triển công nghiệp cơ khí ôtô, công nghệ cao cùng với du lịch, công nghiệp văn hóa gắn với những sản phẩm và dịch vụ cao cấp, có giá trị thương hiệu cao.
Với ngành du lịch, Ninh Bình được định hướng xây dựng thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu và hình ảnh riêng. Du lịch sẽ gắn với tiềm năng, giá trị sẵn có như cố đô Hoa Lư và di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An.
Ninh Bình thuộc vùng đồng bằng sông Hồng dù chỉ hai huyện có địa hình bằng phẳng. Tỉnh nằm giữa ba vùng kinh tế là Hà Nội, duyên hải Bắc Bộ và duyên hải miền Trung. Theo số liệu năm 2021, Ninh Bình có 973.300 người, GDPR đạt 85 tỷ đồng, GDPR bình quân đầu người đạt 72 triệu đồng.
Phạm Dự