7:42 - 25/03/2023

Zhang Minmin không đồng ý với tục lệ hét giá cô dâu và từ chối để gia đình định giá tiền sính lễ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của cô đều không có tác dụng và bị coi là “đồ ngốc”.

Chi phí cho của hồi môn ngày càng tăng mạnh ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Ảnh: SCMP.

Kỳ nghỉ xuân này, Zhang Minmin, nhân viên công nghệ ở Thượng Hải (Trung Quốc), quyết định dẫn bạn trai về quê ra mắt bố mẹ tại trung tâm thành phố Vũ Hán.

Mặc dù những chuẩn mực về hẹn hò, yêu đương đã thay đổi trong vài thập kỷ qua, các đôi trẻ ở đất nước tỷ dân vẫn phải tuân theo thông lệ giới thiệu người bạn đời tương lai với phụ huynh trước khi thảo luận về hôn nhân.

Sau khi gặp mặt, chủ đề trò chuyện có thể xoay quanh ấn định ngày cưới hoặc các chi tiết khác của buổi lễ. Tuy nhiên, với Zhang, mọi chuyện phức tạp hơn cô tưởng, Sixth Tone đưa tin.

Cuộc đối thoại trở nên ngượng ngùng khi đề cập đến tiền sính lễ vì cô sẽ không đồng ý với cái giá bố mẹ đưa ra.

Giá cô dâu đắt đỏ

Zhang sống và làm việc ở Thượng Hải được 7 năm, một nơi rất khác với Vũ Hán. Những trải nghiệm ở đó khiến cô hiểu hơn về các giá trị nữ quyền.

Vì thế, Zhang không quan tâm đến khoản tiền thách cưới hay đưa điều kiện đó vào các quyết định trong mối quan hệ của mình.

“Nếu bố mẹ yêu cầu sính lễ từ nhà trai thì chẳng khác nào họ xem tôi như đồ vật được định giá. Tôi sẽ bước vào lễ đường với cảm giác như một món hàng”, nữ nhân viên công nghệ bày tỏ.

Thế nhưng, suy nghĩ này của cô khó thuyết phục được bố mẹ. Ở quê cô, của hồi môn là chuyện đương nhiên.

Những lần về thăm nhà trước đây, gia đình Zhang thường bàn tán sôi nổi về đám cưới của chị em họ và sự giàu có từ nhà chồng.

Họ luôn đặc biệt đề cập đến số tiền phải trả theo giá cô dâu, mức độ hoành tráng của hôn lễ, những chiếc xe hơi sang trọng được sử dụng trong đám cưới và các món quà xa hoa được trao cho họ hàng nhà gái.

“Tôi định nói trước vấn đề, hy vọng rằng bằng cách giữ lập trường vững chắc và không để bản thân bị lung lay thì có thể khiến bố mẹ lùi bước. Nhưng trước khi cả hai về quê, mẹ kế – người thay bố quán xuyến việc trong nhà – và dì của tôi đã gọi điện hỏi gia đình bạn trai có khả năng trả bao nhiêu”, Zhang kể.

Cuộc điện thoại khiến cô và “nửa kia” đều thấy khó chịu. Trong bữa ăn tối đầu tiên, Zhang đã chủ động yêu cầu cả nhà dừng lại và từ chối thảo luận về giá cô dâu.

trung quoc tien sinh le anh 2

Giá trị sính lễ đã tăng lên rất cao, đặc biệt là ở những khu vực nghèo khó. Ảnh: BBC.

Dù vậy, người dì vẫn không nản lòng. “Mọi người không có ý gì nhưng đây là phong tục. Chị họ của con đã kết hôn hai ngày trước và chú rể đồng ý đưa 200.000 nhân dân tệ (30.000 USD) cho nhà vợ. Nếu không chấp nhận, điều đó giống như gả con gái cho người nghèo. Về phần tiền, bố sẽ đưa lại cho 2 con sau”, dì Zhang giải thích.

Sau bữa tối, các chị em họ lần lượt kéo cô sang một bên để nói chuyện. Họ cho rằng cô đang mắc một sai lầm khủng khiếp. Việc nhận khoản tiền sính lễ từ chồng sắp cưới là một cách để đảm bảo tài chính cho bản thân, đồng thời tượng trưng cho điều kiện kinh tế của nhà trai.

“Em thật ngốc nghếch, giá cô dâu là vì lợi ích của chính em”, họ nhiều lần nói với Zhang.

Đòi hỏi tiền sính lễ

Khác với các chị em lấy chồng người địa phương, đã quen với tục lệ thách cưới, Zhang lại yêu một người đàn ông ngoại tỉnh.

Nhưng điều này dường như chỉ làm tăng mong muốn của họ về việc nhận sính lễ.

Sau thời gian đấu tranh, cô gái dần kiệt sức. Zhang tìm đến người bạn tốt thời đại học để tâm sự. Vốn tưởng cô bạn, người có học thức tương tự và cùng quan điểm trong nhiều vấn đề, sẽ ủng hộ suy nghĩ của mình.

Nhưng phản ứng hoàn toàn ngược lại, Zhang ngạc nhiên khi thấy đối phương bị sốc và gọi cô là đồ ngốc vì đã từ chối số tiền đó.

“Nếu một người đàn ông không trả giá đắt để cưới bạn, anh ta sẽ không đánh giá cao vợ trong cuộc hôn nhân”, bạn của Zhang nói.

Zhang không phải trường hợp duy nhất rơi vào tình huống này. Ở một mức độ nào đó, cô hiểu vấn đề mình đang gặp phải.

Quê cô khá nghèo, nhiều phụ nữ tại đây không có nguồn lực kinh tế mạnh. Hầu hết là nội trợ toàn thời gian hoặc làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước với mức lương ít ỏi. Nguồn thu nhập chính của họ là từ chồng hoặc bố mẹ chồng.

trung quoc tien sinh le anh 2
Giá trị sính lễ đã tăng lên rất cao, đặc biệt là ở những khu vực nghèo khó. Ảnh: BBC.

Trong bối cảnh hiện tại, giá cô dâu trở thành một yếu tố đảm bảo tài chính khá quan trọng. Khoảng cách về triển vọng nghề nghiệp, cơ hội giữa phụ nữ ở các thành phố hạng nhất và hạng hai lớn hơn nhiều nơi.

Tuy nhiên, biết điều đó là một chuyện, trực tiếp trải nghiệm nó lại là chuyện khác.

Khi Zhang giải thích cho hết người này đến người kia, cô nhận ra nữ quyền tồn tại mỏng manh ở Trung Quốc đến mức nào. Cô không đủ khả năng hay tiến gần hơn để có thể giải quyết vấn đề.

Cuối cùng, khi kỳ nghỉ xuân sắp kết thúc, cô và bạn trai cũng chuẩn bị trở lại Thượng Hải, mẹ kế đã kéo con gái sang một bên để nói chuyện riêng.

“Ngay cả khi không muốn lấy tiền, con cũng không thể đi khắp nơi nói rằng nhà mình không nhận sính lễ. Điều đó quá nhục nhã. Bố con và mẹ sẽ khó nhìn mặt người thân, bạn bè. Bạn trai của em gái con sẽ biết điều đó và có thể ảnh hưởng đến tiền thách cưới. Mẹ hy vọng ít nhất 200.000 nhân dân tệ cho giá cô dâu”, mẹ kế dặn cô.

“Tôi thầm cảm ơn vì sống xa nhà để không quan tâm đến những lời đàm tiếu ở quê. Bà ấy sẵn sàng thỏa hiệp khi liên quan đến cuộc sống của tôi. Xét cho cùng, tôi chỉ là con riêng của bố. Nhưng việc tôi làm không được ảnh hưởng đến tương lai con gái ruột của bà”.

Cuối cùng, Zhang đành mặc kệ mẹ kế bịa ra của hồi môn để mọi người nghĩ rằng cô được cưới hỏi đàng hoàng.

Theo https://zingnews.vn/cai-kho-cua-co-dau-trung-quoc-tu-choi-sinh-le-post1415390.html

Chuyên mục: ĐỜI SỐNG - XÃ HỘI

Tag:

Liên hệ trên Zalo